cập nhật: 09:20 24/06/2019[ten]Mỉm cười và quay đi [/ten][info]– Nghe nói con gái Sài Gòn rất xinh? – Cẩm Anh không nhìn Phan.
– Ừ, xinh! Nhưng anh chỉ một cái hẹn với “con gái Sài Gòn” thôi, em biết là ai đấy!
Cô nheo mắt, cho nốt mấy bộ quần áo vừa xếp vào túi hộ Phan:
– Em chỉ đùa thôi!
– Anh biết! Em đâu có thiếu tự tin như thế, đúng không? – Phan trêu chọc.
Cẩm Anh nhíu mày, hất tay sang định “cảnh cáo”. Nhưng vô tình, móng tay cô sượt qua mu bàn tay Phan và để lại một vết xước dài, rướm máu và ran rát.– Lại còn “đánh dấu tác quyền” nữa cơ đấy! – Phan săm soi vết xước.
– Không phải, mà là để nhớ! – Cẩm Anh vênh mặt – Phương Nam nhiều điều thú vị lắm!
*** [img]http://policy.mobie.in/images/mim_cuoi-287x300.jpg[/img]Phan viết nhiều dù chuyên ngành của mình là design. Phần lớn những truyện ngắn đều gửi cho một tờ báo quen thuộc từ hồi còn học phổ thông. Bài được đăng nhiều. Phan nhận ra mình có một chút năng khiếu ở một khía cạnh khác. Người ta thích giọng văn của anh vì nó mới và lạnh. “Lạnh như miền Bắc”, cô bảo.
Cô còn rất trẻ, hình như chỉ mới ra trường chưa đầy một năm, nhưng đã đảm nhiệm vị trí biên tập truyện ngắn cho tờ báo mà Phan cộng tác. Thế có nghĩa là mọi bài vở của anh đều do cô đọc chọn trước khi đăng.
Phan không để tâm lắm đến việc tạo một mối quan hệ thân thiết với tòa soạn. Chỉ viết như một sự thỏa mãn chính mình, và gửi như để đem suy nghĩ ấy đến nhiều người hơn. Nhưng một vài lần, những tựa truyện của Phan bị thay đổi. Ban đầu cảm giác hơi khó chịu, nhưng không thể phủ nhận rằng những tựa truyện mới luôn hay hơn và chính xác hơn với những diễn biến trong truyện, và tệ hơn là trong lòng anh. Mãi rồi Phan có cảm giác giữa anh và người biên tập có một mối giao cảm đặc biệt. Không chỉ tựa truyện, người ấy thay đổi một vài chi tiết nhỏ mà Phan biết chắc chắn có vấn đề ngay từ khi còn là bản thảo nhưng chưa tìm được một cách sửa hợp lý hơn. Và, nó hoàn hảo. Những điểm sửa khớp với những dòng anh viết như một mảnh ghép đặt đúng chỗ. Điều đó khiến Phan tò mò. Gửi một email đến địa chỉ chung chung của ban văn học tờ báo ấy nêu một vài điều vướng mắc và mong muốn liên lạc được với người biên tập, anh không mấy hy vọng. Nhưng một ngày, cô trả lời.
Những email kết nối Phan và cô gần một năm trời. Chỉ là một vài dòng ngắn gọn, đôi khi nói về truyện ngắn, đôi khi lan man qua thời tiết thời sự, nhưng ngày nào cũng có, Nó làm cho cuộc sống của Phan tươi tắn hơn. Tươi tắn hơn, khi nhận ra từ rất xa, mình vẫn có một người đồng cảm.
Cẩm Anh xem đó là một góc riêng trong cuộc sống của Phan. Cô dành cho mối quan hệ đó một mối quan tâm vừa phải. Phan cảm thấy dễ chịu về điều đó. Không như những cô gái trẻ luôn hồ nghi và ghen tuông, làm người yêu mình ngột ngạt đến khó chịu, Cẩm Anh khôn ngoan hơn rất nhiều. Cô luôn giữ một chừng mực nhất định trong cách cư xử. Mọi thứ đều vừa phải.
***
Phương Nam nhiều điều thú vị.
Nhưng có một điều thú vị hơn, đó là cô không chịu gặp Phan.
Ngay khi đặt chân đến Sài Gòn, Phan vội vã mail ngay cho cô. Năm phút sau có mail trả lời. Ngày cuối cùng anh ở đây, tôi sẽ gặp anh, được chứ? Phan tức tốc hồi âm. Tại sao không phải là ngày hôm nay? Để anh có một điều gì đó chờ đợi. Như thế, chuyến đi sẽ thú vị hơn rất nhiều. Phan bật cười. Được, tôi đồng ý. Tôi hứa ngày cuối cùng mình ở đây sẽ gọi cho cô. Chấm dứt những dòng tin bằng một số điện thoại và bốn chữ “Anh hứa rồi đấy!”.
Nhưng tin ngắn thì được chứ? Phan soạn tin và gửi đến số điện thoại cô vừa cho. Vậy tôi đành chịu thua khoản này. Phan đắc thắng, cô biết không, Sài Gòn thật đẹp. Được rồi, anh nghỉ đi, một chặng đường dài dấy! Giật mình nhớ ra Cẩm Anh dặn gọi điện ngay khi đến nơi, Phan nhắn tin cuối ngày. Chúc cô ngủ ngon.
Phan giữ đúng lời hứa. Có đôi lúc muốn lừa cô rằng tôi sẽ về ngày mai, vậy hôm nay hãy gặp tôi đi, nhưng Phan kìm lại được. Như cô nói, những ngày ở Sài Gòn của Phan sẽ thú vị hơn khi có một cái gì đó để chờ đợi. Và Phan nhận ra là mình thật khôn ngoan khi làm như vậy. Tất cả những cuộc vui với bạn bè tàn hết để lại cho Phan nhiều tiếc nuối, nhưng mỗi khi nghĩ đến điều thú vị nhất vẫn chưa xảy ra, Phan mỉm cười.
Và Phan sắp phải về thật. Gửi một cái tin “Đến lúc cô thực hiện lời hứa rồi đấy!” , Phan lâng lâng suy nghĩ không biết trông cô ra sao. Anh không tưởng tượng nhiều. Dù thế nào thì tất cả những gì anh biết cũng đủ cho một cuộc gặp gỡ tuyệt vời. Cô trả lời “Anh hãy đến Tòa Soạn. Tôi đợi!” . “Okie, làm thế nào để tôi nhận ra cô?” . “Tôi sẽ nhận ra anh!”. Thử xem ai nhận ra ai trước! Phan mỉm cười tinh quái, nghĩ một mình.
***
Toà soạn nhiều người ra vào, toàn những người trẻ trông năng động và xinh tươi. Kế hoạch của Phan bị phá sản. Anh cứ nghĩ ngồi từ quán nước bên kia đường tìm kiếm một cô gái đứng trước cổng tòa soạn chờ đợi một ai đó thì dễ dàng. Lẩn quẩn một lúc, không thấy ai như thế, Phan ngồi đợi trước cổng. Chiếc điện thoại cài chế độ rung của anh chợt giãy đành đạch trong balô. Phan bật cười, biết ngay là trò của cô. Thông minh đấy! Anh không móc điện thoại mà đứng dậy tìm quanh quất xem có cô gái nào đang vừa đi vừa nghe điện thoại không. Nhưng vẫn vô vọng. Chả có ai như thế. Phan đành móc điện thoại ra và thấy một dòng số lạ hoắc. Thình lình một giọng miền Nam nhẹ và hơi là lạ vang lên bên tai anh “Tôi đây!” . Quay phắt lại. Là một cô gái mảnh khảnh, tóc dài đang mỉm cười, đôi mắt sau đôi kính nheo nheo thách thức.
***
– Tôi nhờ một đồng nghiệp bấm số của anh năm phút sau khi tôi rời phòng làm việc! – Cô mỉm cười tinh quái.
Phan buột mồm:
– Cô biết không, tôi nghĩ cô hiền hơn kia!
– Hiền không đồng nghĩa với việc dễ bắt nạt! Anh cũng quái đâu kém! – Cô cong môi. Phan càng buồn cười. Người biên tập đang ngồi trước mặt anh, là một cô gái trẻ nghịch ngợm và chả tỏ vẻ gì là khó tính như người đã thẳng tay cắt phăng một vài đoạn dài dòng trên truyện hoặc chăm chút đến từng câu chữ.
Anh chàng phục vụ quán cà phê mang đồ uống ra. Phan khẽ nhăn mặt khi thấy chiếc áo màu sắc lòe loẹt hình chim cò và dáng đi dặt dẹo của anh ta
– Anh có vẻ xét nét! – Cô không bỏ qua cử chỉ nhỏ nhặt đó.
– Ơ … tôi … không … – Phan lúng túng một lúc rồi đành chịu thua.
– Chỉ là hơi lạ mắt! – Không gã con trai nào thích bị cho là xét nét.
– Anh vào đây bằng gì? – Cô ngẩng lên, có vẻ không chú ý đến việc mình vừa hạ Phan đo ván.
Phan tinh quái:
– Tôi đi tàu hỏa đến Đà Lạt rồi từ đó đi thuyền xuống đây!
Cô vẫn mải miết khuấy ly chanh đá, ừ thế à, thản nhiên. Phan hoan hỉ, thua rồi, cô phản ứng chậm quá. Người khác đã ré lên, anh chỉ toàn ba xạo. Nhưng …
– Hèn gì khi sáng tôi thấy một chiếc thuyền mang biển số Đà Lạt neo trên ngọn cây! – Cô nói tỉnh bơ.
– Phan trố mắt, không biết nói sao. Cô hơi nhăn mặt:
– Anh làm gì mà nhìn tôi ghê thế?!!
****
– Truyện của anh lãng mạn như trong cổ tích … – Cô châm ngòi.
Phan gục gặc, khoái chí. Cứ thử là dân viết đi, rồi sẽ thấy sung sướng như thế nào khi có người nói trúng phong cách văn của mình. Phan mơ màng, sắp sửa nói về những điều anh thường muốn chia sẻ với cô khi chưa từng gặp.
– … dành cho con nít! – Cô tiếp tục.
Phan suýt nữa ngã nhào. Chỉ biết lắp bắp:
– Cô … cô …
– Anh biết chơi trò thả diều không? – Cô đổi đề tài nhanh chóng mặt, cứ sau mỗi lần như thế là tỏ vẻ chẳng nhớ ra trước đó mình làm Phan quê độ như thế nào.
– Ừ, có! Hồi bé tôi có chơi. Nhưng lớn lên thì dây điện thành phố … (không cho phép con diều mơ ước bay cao nữa, Phan định nói thế!)
– Đấy! Tôi thích nhất trò đấy! – Cô ngắt lời.
– …
– Tôi thả diều bay thật cao, chờ gió thật căng, sau đó cắt dây! – Cô cười rúc rích – Lúc nãy anh có cảm giác như thế nào? Làm con diều thích chứ?
Phan méo mặt, cầm tách cà phê che ngang mũi, trong đầu hiện ra một câu hăm dọa kỳ quặc không thể nói ra “Cô mà là người yêu tôi thì tôi vặt tai!” . Cũng cùng lúc ấy Phan nghĩ mình nhầm khi luôn tự cho mình là bản lĩnh. Có lẽ con gái Hà Nội khác!
– Quà của cô! – Phan chìa ra gói giấy.
– Cám ơn anh. Quà Hà Nội?
– Không, tôi không kịp mang gì từ đấy vào. Cái này tôi vừa mua hôm qua.
Cô tháo gói giấy, nói nhỏ, vậy là cái này không có hương vị Hà Nội rồi. Rồi cô ồ lên ngạc nhiên. Một bộ xếp hình 300 mảnh. Tấm thiếp Phan kẹp vào nắn nót “Mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa, cô hãy ghép một mảnh. Nếu ngày hôm đó buồn chán và vô nghĩa, lấy ra một mảnh. Hy vọng ngày này năm sau gặp lại, bức tranh đã hoàn thành và không những thế, nó còn được gia cố thêm 65 mảnh nữa!”
– Cám ơn anh! – Cô lặp lại, có vẻ xúc động.
***
– Không hiểu sao tôi luôn tin vào kiếp trước!
– Ừ, hay đấy! Chắc vì anh thế nên truyện của anh giàu tính kỳ ảo. Nhưng cũng có những truyện không cần quá thực tế! – Cô gật đầu, tỏ ra nghiêm túc hơn.
Phan thở phào. Có vẻ cơn nghịch ngợm của cô nàng đã qua rồi. Cô đang nhíu mày ngồi nhìn hồ súng ở lầu dưới, có vẻ suy nghĩ gì đó.
– Tôi giống cô tưởng tượng chứ?
– Khác, nhưng cũng không ngạc nhiên lắm!
– Cô nghĩ tôi thế nào?
– Mơ mơ màng màng.
– Còn thực tế?
– Mơ mơ màng màng cộng.
Hai người phá lên cười.
– Sao cô không hỏi tôi có tưởng tượng về cô không?
Cô cười, như con nít:
– Đừng có lãng mạn thế! Chỉ những nhân vật của trong truyện của anh mới hay ngồi phí thời gian tưởng tượng về nhau thôi!
Phan có đôi chút tổn thương, nhưng vẫn không để ý lắm:
– Tôi có cảm giác tôi từng quen cô, từng chịu đựng cô! Nếu không tôi sẽ phát điên lên với trò thả diều của cô mất!
Cô nhìn Phan cười, tỏ vẻ cảnh giác:
– Này, đừng có mà điều gì cũng đổ tội cho kiếp trước…
***
Hai người đổi quán cà phê khác.
– Cô đi thế này không sao chứ?
– Không, công việc làm báo khá tự do, chỉ cần tôi nộp bài đúng hạn. – Cô thật thà.
– Không, ý tôi là đi uống cà phê với tôi hết một buổi chiều như vậy, nhìn mặt tôi mãi có chán không?
– Anh tính định cư ở đây luôn hay sao? Với lại tôi cận rất nặng, khi nhìn cái gì chán thì tôi có quyền bỏ kính!
– Thảo nào lúc nãy tôi thấy cô bỏ kính ra lau!
***
– Cô có người yêu chưa?
Cô khuấy cà phê:
– Chưa! Hoặc có những chưa thấy được vì không thấy ai ngỏ lời với tôi cả!
– Vì cô ghê gớm quá!
Cô không bận tâm lắm đến những câu nhận xét trêu tức của Phan.
– Yêu khó lắm! Thế mà nhân vật của anh chỉ nhìn nhau vài cái đã yêu! Hoang đường!
– Một buổi chiều ngồi cà phê với nhau và yêu thì bớt hoang đường hơn nhỉ?
– Này, anh đang định thả diều sao? Thông báo là hôm nay không có gió!
Lại rũ ra cười. Bàn bên cạnh, có hai đứa choai choai chỉ khoảng mười lăm mười sáu đang ôm chặt lấy nhau và bắt đầu hôn hít. Phan trố mắt nhìn, ngạc nhiên vì chúng quá ư là tự nhiên. Anh thấy má mình nóng bừng bừng. Cô liếc mắt, thờ ơ, chả tỏ vẻ gì ngượng ngập. Bỗng cảm thấy ở một nơi mà mà người ta tự nhiên quá thì tình yêu cũng chỉ bình thường như bao thứ khác mà thôi…
***
Cô nhìn đồng hồ:
– Trễ rồi!
– Tôi muốn hành hạ cô thêm chút nữa, cô đi ăn tối với tôi chứ?
Cô tần ngần một chút rồi gật đầu:
– Được thôi! Năm sau anh vào lại, chắc không có dịp.
– Cô lấy chồng à?
– Không! Vợ anh.
Họ lại cười.
Cô cần ghé lại tòa soạn, Phan cũng về thay quần áo.
– Tôi làm việc trên ấy! Khi nào anh đến thì nhá máy!
***
Bảy giờ. Phan quay lại. Giữa thời gian ấy anh chỉ toàn nghĩ về hai cữ cà phê chiều nay và mỉm cười. Phan thấy cô là lạ, hay hay một cách không thể lí giải.
Phan dựa vào bức tường, gửi tin nhắn “Thưa quý cô nương, kẻ hèn này mời quý nương đi ăn cơm, được chứ?” . “Hay lắm, ta đang đói! Mà có không đói thì cũng sẽ cố gắng làm vui lòng nhà ngươi, kẻo có ai đó tức chết thì ta không có “truyện con nít” mà biên tập.” Phan đọc tin trả lời, cười ha ha một mình.
– Anh cười to quá! Ở thành phố này không có ai cười một mình mà to thế! Sẽ cho là có vấn đề! – Cô rồ xe đến bên cạnh từ bao giờ.
Phan cười to hơn nữa, chảy cả nước mắt. Hai người đi ăn cơm ở một quán ở chợ Bến Thành. Không ai cà khịa ai một lần trong lúc ăn. Món cơm chiên Dương Châu khô, ăn mà cười hoặc tức giận thì dễ sặc, cô bảo. Chỉ trao đổi một vài câu chuyện về công việc và nói nhiều về thời đi học. Trông cô lúc này hiền và nghiêm. Hai trạng thái, Phan ghi nhận.
***
– Anh có bức ảnh nào ở Sài Gòn chưa?
– Chưa, tôi quên không mang theo máy! Thật tiếc! – Phan gãi đầu.
Cô lòng vòng chở Phan chạy ra Ủy Ban Nhân Dân thành phố. Dựng xe, nhờ cặp tình nhân ngồi gần đó để mắt đến, cô vừa móc máy ảnh ra lí giải:
– Tôi sẽ chụp ảnh cho anh. Nhưng có thể khi quay ra chiếc xe sẽ không còn!
Phan bật cười với những ý tưởng ngộ nghĩnh đó. Cô nàng bắt Phan như một con rối, hết đứng lại ngồi, hết ngồi lại đứng, nhưng chụp xong zoom vào xem thì tấm nào Phan cũng cười ngố tệ. Cô tha hồ chê bai. Mỗi cú flash Phan lại la lên thất thanh “Trời ơi, xe đâu rồi?” làm cô nàng theo phản xạ quay lại hoảng hốt. “Anh thật là đểu!”. “Buổi tối cô có vẻ dễ bắt nạt hơn!” Phan cười.
***
Lại cà phê. Cái thành phố này chỉ có chui vào cà phê thì mới trú chân được. Còn một chỗ nữa, là công viên. Nhưng trong ấy thì không thể vào.
Cô săm soi những tấm ảnh vừa chụp, chê Phan ngố.
– Cô chụp thật là tồi! – Phan trêu.
– Hay vật mẫu tồi? – Cô liếc xéo.
Cô phục vụ bàn mang nước ra. Phan không thèm hỏi ý kiến cô, quay sang nói.
– Bạn làm ơn chụp giúp tôi một tấm ảnh! Được không ạ?
Cô bé mỉm cười, gật đầu. Con gái Sài Gon ai cũng cười tươi.
– Anh chị ngồi sát vào!
Phan liếc sang. Cô không phản ứng.
– Thế này được rồi! – Cuối cùng cả hai cùng lên tiếng.
Đèn flash chói lòa một góc quán.
Thật lạ là trong tấm ảnh này Phan không ngố. Và cô thì cười tươi.
– Gửi tất cả ảnh qua mail cho tôi nhé?
– Ừ!
– Tất cả nhé?
– Ừ!
– Không chừa một cái nào?
– Chỗ này nhiều muỗi quá! – Cô tỏ vẻ thần tình trong việc chuyển đề tài.
***
Đến giờ về. Người đi vẫn nhộn nhịp, nhưng quá trễ cho một cô gái như cô.
– Chào cô, mai tôi về! – Phan chìa tay.
Cô thoáng ngẩn ra rồi mỉm cười, rụt rè bắt tay Phan:
– Hẹn gặp lại anh!
Bàn tay cô gầy và ấm. Một cảm giác buồn bã và tiếc nuối xâm chiếm Phan. Không còn gì để chờ đợi. Phan chưa chịu buông tay, cứ nhìn mãi cô. Anh không biết những gì cô đang nghĩ, bởi mặt cô giấu sau đôi kính lấp loáng.
– Tôi … tôi … – Phan ngập ngừng, chìm trong những cảm xúc mãnh liệt mới mẻ.
Cô rút tay ra. Phan kiềm lại, thật mạnh. Bàn tay cô vùng vẫy rồi như yếu dần. Nhưng vô tình, những móng tay chạm vào vết xước sâu chưa lành trên mu bàn tay Phan, rát buốt. Phan hốt hoảng buông tay cô ra. Không phải vì đau.
– Anh về nhé! – Cô ngập ngừng.
Phan buồn bã gật đầu. Đêm Sài Gòn ồn ào và nhiều xe nuốt lấy cô nhỏ bé.
***
“Cô ngủ chưa?” Phan nhắn tin. “Anh nghỉ sớm đi, chuyến đi sẽ rất mệt!”. “Cô sẽ ráp mảnh xếp hình đầu tiên hôm nay chứ?”. “Ừ, mảnh đầu tiên. Cảm ơn anh, vì nhiều điều…”. “Cô biết không, có những chuyện bất ngờ đã xảy ra…”. “Ngủ ngon!”. “Cô cũng vậy! Ngủ ngon!”. Vài mẩu tin rời rạc cuối cùng. Những dấu ba chấm chứa những thông điệp có thể cảm nhận được, nhưng làm cho người ta dễ dàng phủ nhận. Phan không ngủ được, vùi mặt vào gối. Tin nhắn của Cẩm Anh “Mai anh về? Hà Nội nhớ anh, không phải em đâu”. Phan nằm yên, nhìn mãi vào màn hình sáng mờ, quên bẵng đi là lẽ ra mình nên trả lời.
***
Trước khi về, Phan ghé qua tòa soạn. Anh nhìn lên tầng hai, nơi anh biết cô đang làm việc, rất lâu. Rút điện thoại ra, Phan muốn chào cô lần nữa. Nhưng rồi anh bấm số Cẩm Anh. Anh đang về đây! Muốn nghe tiếng em quá! Hôm qua anh mệt, không thấy tin nhắn. Giọng cô vui tươi và hơi ngại ngùng. Em biết rồi, cúp máy đi. Lát nữa lên tàu nhắn tin cho em. Ừ, Phan cúp máy, rồi tắt luôn, quẳng vào balô. Nhìn lên ô cửa một lần nữa, cố mường tượng lại cái dáng cao cao gầy gầy, đôi mắt tinh quái sau đôi kính cận lấp loáng, Phan thì thầm “Chào em…” Rồi mỉm cười quay đi.
Nguyễn Thiên Ngân[/info]