MỸPlebuch phát hiện mình có nửa dòng máu Do Thái trong khi cha mẹ gốc Ireland. Lật tung hồ sơ 300.000 người trong 3 năm, lời giải đến bất ngờ.
7 năm trước, bà Alice Collins Plebuch, hiện 72 tuổi, sống ở Vancouver, bang Washington, Mỹ, quyết định làm xét nghiệm ADN "vui vui". Ở tuổi đó, bà cảm thấy đã đến lúc phải bổ sung thêm thông tin cho cây gia phả về nguồn gốc Ireland trong mình.
Bà Plebuch xét nghiệm ADN cho vui, nhưng phát hiện ra bí mật suốt một thế kỷ. Ảnh: Cbc. |
Người cha quá cố của bà, ông Jim Collins, con trai của một người nhập cư Ireland Mỹ và người mẹ đã qua đời, cũng có tổ tiên Ireland. Plebuch chờ đợi cây gia phả 100% Ireland. Nhưng kết quả ADN lại cho thấy có nửa Do Thái. Bà đã rất bối rối, kiểm tra lại nhưng vẫn ra kết quả tương tự.
Mỗi năm theo tính toán của trang xét nghiệm công ty phả hệ Ancestry, có khoảng 7.000 người phát hiện ra họ là con đẻ của người khác chứ không phải cha của họ. Suy nghĩ đầu tiên của Plebuch là "có phải mẹ ngoại tình?".
Kịch bản ngoại tình khó xảy ra với tính cách của mẹ của họ. Hơn nữa cả 7 anh chị em nhà Collins đều có đôi mắt mí lót giống hệt cha.
Bằng một quá trình lấy mẫu ADN từ người thân ở cả hai bên mẹ và cha, Plebuch đi đến kết luận nguồn gốc Do Thái nằm ở phía cha. Nhưng bằng cách nào? Bởi ông nội của họ đến từ Ireland, chứ không phải là người Do Thái. Lẽ nào vấn đề nằm ở bố Plebuch, bởi ông mất mẹ khi còn nhỏ, người cha không nuôi nổi nên phải đưa 3 con vào trại trẻ mồ côi, sau này mới đoàn tụ với nhà nội.
Những cú sốc khác tiếp tục đến. Kết quả từ em họ đằng nội, Pete Nolan - con người cô ruột - tiết lộ không có bất cứ điều gì trùng lặp về di truyền với bà Plebuch. Điều này có nghĩa bố của bà Plebuch không có liên hệ huyết thống với em gái mình. Chính xác hơn, bố của Plebuch không phải là con của ông bà nội: Ông bà là người Công giáo Ailen và con trai họ là người Do Thái.
Plebuch (hàng 2, bên trái) cùng các anh chị em và bố Jim Collins (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang). Ảnh: Cbc. |
"Tôi thật sự mất cả nhận dạng của mình. Tôi cảm thấy lênh đênh. Tôi không biết tôi là ai", Plebuch, từng là chuyên gia thông tin dữ liệu của Đại học California nói. Bà đã nghi ngờ từ năm 1990 khi tới Ireland thăm họ hàng và không có một ai trong số đó giống với người cha cao chưa tới 1,63 m của mình.
Đến đầu năm 2013, 7 anh em nhà Collins tìm ra giấy khai sinh của cha, biết ông sinh vào ngày 23/9/1913. Plebuch quyết định truy tìm hồ sơ sinh của ông tại Bệnh viện Fordham, ở The Bronx, New York. Hướng điều tra này không ra tin tức nào, nguyên nhân chính do bệnh viện đóng cửa hơn nửa thế kỷ trước.
Plebuch quyết định tìm những đứa trẻ sinh cùng năm với cha ở thành phố New York, ra một danh sách dài 159 trang không sắp xếp theo ngày tháng, không phân biệt sinh ở viện hay ở nhà. Bà thu hẹp dần danh sách vào những người sinh trước và sau ngày 23/9/1913 và những tên có vẻ Do Thái, lọc lại còn khoảng 30 người. Nhưng sau cùng vẫn đi vào ngõ cụt.
Tổng cộng bà và em gái đã mua ít nhất 21 bộ xét nghiệm cho bản thân, người thân và người lạ nghi ngờ có quan hệ. Họ tìm theo một hướng khác là dựa theo so sánh sự trùng lặp phân đoạn ADN. Hướng này có đến hơn 300.000 người có khả năng là người thân của họ.
Một người anh trai của Plebuch, là kỹ sư công nghệ làm việc trên siêu máy tính của NASA, đã thiết kế một ứng dụng để giúp họ tìm thông tin trong con số hơn 300.000 người này. Mất 2 năm tiếp theo dò la nhưng cũng không giải được tại sao 7 anh em nhà Collins lại mang dòng máu khác nhà nội và nhà nội thực sự của họ ở đâu.
Ngày 18/1/2015, ngày định mệnh. Plebuch buồn bã nói chuyện với em họ Pete Nolan - người bà yêu quý mà không có quan hệ huyết thống - để cập nhật cho em biết cuộc tìm kiếm bị trì trệ.
Là quản trị viên tài khoản của em họ trên trang 23andme, Plebuch truy cập vào xem thì phát hiện có người phụ nữ tên Jessica Benson, sống ở North Carolina, có nhiều đoạn ADN trùng với Nolan. Jessica Benson còn trả lời bà đang muốn tìm nguồn gốc Do Thái, nhưng thay vào đó lại phát hiện có nguồn gốc Ireland.
Plebuch khó có thể kiềm chế bản thân. Một thời gian bà đã nghi ngờ cha mình bị trao nhầm cho gia đình sau khi sinh. Bà hỏi Jessica Benson "có người thân sinh vào ngày 23/9/1913 tại Bệnh viện Fordham, ở The Bronx không?".
Jessica trả lời là "ông nội của tôi, Phillip Benson được sinh ra vào khoảng đó". Plebuch òa khóc. Cuối cùng, bí ẩn đã được làm sáng tỏ.
Trước đó do tên Phillip Benson bị viết sai trong danh sách của thành phố thành Phillip Bamson nên Plebuch đã tìm không ra. Bằng cách nào đó, một đứa trẻ Do Thái đã về nhà với gia đình Ireland và một đứa trẻ Ireland đã vào nhầm gia đình Do Thái. Đứa trẻ được cho là Philip Benson thay vào đó trở thành Jim Collins.
Phillip Benson cùng vợ con (hàng đầu). Thời ông còn sống các con Phillip luôn tò mò sao ông cao hơn ông bà nội (hàng sau). Ảnh: Washingtonpost. |
Hai gia đình trao đổi hình ảnh. Jessica Benson nhìn bố của Blebuch thì thấy ông giống với cụ nội cao 1,63 m và cụ bà cao 1m45 của mình. Trong khi ông nội Phillip Benson của Jessica thì mắt xanh, cao 1m82.
Hai gia đình gặp nhau trong tháng đó, cùng đi du lịch. Họ đều đồng ý rằng thật tốt khi hai người cha không bao giờ biết bị trao nhầm. Bây giờ, Plebuch có mối quan hệ thân thiết với người chị họ mới tìm ra Phylis Pullman. Bà từng bay tới Florida để gặp Pullman. Ngồi ở hai đầu đối diện, hai người phụ nữ thấp bé giống như hình ảnh phản chiếu; họ biết là chị em, chẳng cần xét nghiệm ADN nào nữa.
Điều Plebuch nuối tiếc là nếu không bị trao nhầm, cha bà đã được sống trong một gia đình nguyên vẹn có ba mẹ, được học hết trung học. Nhưng ông phải ở trại trẻ mồ côi, phục vụ quân đội và làm bảo vệ nhà tù ở California. "Ngày trong trại trẻ mồ côi, cha tôi có một quả cam trong ngày Giáng sinh", Plebuch nói.
ADN có thể mở ra tương lai, cũng có thể mở lại quá khứ. Với Plebuch, sau tất cả, sự thật là quan trọng nhất.
Bảo Nhiên (Theo Cbc, Washingtonpost)