uốt mười mấy năm quen nhau thị tặng cho tôi nhiều quà cáp lắm, dịp nào cũng có quà. Ngày sinh nhật, ngày lễ tình bạn, ngày gia đình, quốc khánh, năm học mới, năm mới… vân vân hầu hết là do thị tự làm cả. Từ những tấm thiệp đến cái khăn len, áo len, mũ lưỡi trai… tôi không có chị em gái, không có mẹ nên sự quan tâm của thị luôn làm tôi thấy rất cảm động và ấm áp. Thị không được làm những gì mình thích vì bố thị luôn nghiêm cấm thị, ông bác ấy là một người cha vô cùng kinh khủng. Bố con thị lại xung khắc. Hồi xưa tôi từng chứng kiến cảnh không ít lần thị bị bố đánh vì những cái tội như điểm kém, xem vô tuyến nhiều… Mà cũng tại thị một phần, bố thị vốn nóng tính mà nhiều khi bị mắng chửi thị thường gân cổ qua cố bào chữa cho hành động của mình hoặc có những biểu hiện tỏ thái độ. Chẳng hạn như bước đi một cách hùng hổ xuống bếp hoặc ra ngoài sân, lầm bầm nhắc lại câu chửi của bố… những hành động ấy chỉ làm tăng thêm cơn điên của ông bố khủng bố ấy. Tôi ước gì ở trường hay ra ngoài xã hội thị cũng có thể ương bướng được đôi chút như ở nhà thì sẽ không bị ai bắt nạt cả nhưng tiếc là ngược lại. Ở nhà thị sợ và ghét bố thị nhưng ra ngoài thì thị sợ cả xã hội sẽ nuốt chửng mình.
Năm thị hai mươi lăm tuổi, ở quê bằng tuổi này là con gái thì chỉ còn mỗi mình thị chưa chồng con. Thị thất nghiệp hồi mới ra trường, thị học ngành bảo hiểm nhưng cuộc đời của thị hình như chẳng có gì bảo hiểm cả. Bản thân thị thì đã chẳng kiệt xuất gì mà gia đình thị lại chẳng có mối quan hệ rộng rãi, tiền tài gì nên thị càng khổ lắm. Thị phải đi làm thuê nhiều thứ việc từ sau khi ra trường vì bố thị nhìn thấy thị ở nhà là cứ chửi suốt. Hồi đó thị suýt nữa thì bị trầm cảm, đọc những tin nhắn than thở của thị mà tôi tưởng chừng như trên đời này không gì chán hơn cái cảnh thất nghiệp của sinh viên nghèo. Sau đó thì may mắn hình như cũng mỉm cười với thị đôi chút, thị đi làm thuê cho một hiệu may, chủ cửa hàng thấy thị khù khờ, chăm chỉ và cũng có chút năng khiếu về may mặc nên cho chị vừa học vừa làm. Giờ thị đã quên hết những gì mình được học ở trường cao đẳng, thị chỉ cố gắng may sao cho được nhiều quần áo, kiếm tiền và đi… phẫu thuật thẩm mỹ.
Tôi thấy thật sự rất ngạc nhiên với những dự định đó của thị nhưng tôi vô cùng ủng hộ. Từ trước tới nay thị luôn mặc cảm vì khuôn mặt không cân đối, mắt nhỏ mũi to của mình nhưng chưa bao giờ thấy thị nhắc đến chuyện đi phẫu thuật thẩm mỹ. Chắc là ngày xưa thị sợ đau và không biết nhiều về công nghệ thẩm mỹ nên vậy. Dạo tôi mới đi du học về thị xuống thành phố H – nơi tôi đang ở thăm tôi. Thị thường hay xuống thăm tôi, từ hồi tôi còn học đại học nhưng không bao giờ chịu gặp các bạn khác của tôi dù tôi có mời mọc, lôi kéo thế nào. Thị luôn luôn bảo:
“Tao xấu xí như thế này người ta lại cười cho”.
Thực chất thì thị không xinh chứ có xấu xí gì đâu nhưng tôi không thể khuyên nổi thị. Sau khi đi làm, tôi cũng kiếm được khá. Ngày nhận lương tháng đầu tôi chỉ nghĩ ngay đến việc đền ơn thị nhưng không biết nên tặng thị quà gì để thị có thể nhận. Không có thị tôi không biết ngày hôm nay tôi sẽ ra sao nữa. Ngày tôi vào đại học ba tôi tái giá với một người tình nhân lâu năm. Cuộc sống gia đình mới quá bận rộn và nhiều lo toan khiến cho ông có lúc dường như quên hẳn sự tồn tại của tôi. Nhiều lúc thiếu thốn nào tiền học phí, tiền nhà, tiền ăn… gọi điện về xin mà ba còn không nghe máy. Năm học đầu tiên đã có không ít lần tôi phải nhịn đói đến hai, ba ngày liền nhưng kể từ ngày cô bạn thân của tôi biết được điều ấy chuyện đó đã không xảy ra nữa. Cũng là do vô tình, dạo ấy thị xuống thành phố khám bệnh, thị chỉ bảo thị bị căn bệnh gì đó liên quan đến đường sinh sản. Thị gặp tôi trong bệnh viện, tôi bị ngất trong một giờ học giáo dục Thể chất ở trường và được khiêng đến đây. Đó là hậu quả của ba ngày không được ăn cơm mà chỉ uống nước. Bạn bè học cùng lớp gọi xe cấp cứu đưa tôi vào viện mà tôi thì chẳng có một đồng xu dính túi nào. Thị nhìn thấy tôi lúc ra gần đến cửa bệnh viện lúc đó thị mới khám xong và định trở về quê, thị đã nán lại ngày hôm ấy để chăm sóc tôi, cho tôi hết tất cả những số tiền ít ỏi còn lại của thị.
Từ ngày đó cứ cuối tháng thị lại gửi tiền cho tôi, không phải tiền của thị, thị cũng đi học làm gì có tiền. Thị sang nhà tôi để xin bố tôi hộ tôi, ông ấy luôn bận nên không đi gửi tiền cho tôi được cứ đưa cho thị tiện đường đi học qua ngân hàng thì gửi. Có tháng bố tôi bảo không có tiền, sợ tôi bị đói thị còn trộm gạo, và thực phẩm trong nhà thị gửi xe xuống thành phố cho tôi. Thị làm tất cả những điều đó chẳng tính toán, suy nghĩ gì. Mỗi lần tôi nhắn tin cảm ơn thị thì thị lại bảo:
“Tao thấy cứ ngượng tai làm sao ấy, mày thôi đi đã nói bao nhiêu lần tao với mày là chị em, bạn bè còn gì”.
Thị không giỏi nói chuyện, người khác sẽ cho rằng thị là một người ít nói và không biết nói hay vì thị không khen ai bao giờ cả, thị thường hay nói thẳng những suy nghĩ của mình. Mà dân gian ta chẳng bảo: “nói thật mất lòng” nhưng dù thế nào chăng nữa thì thị vẫn luôn là người hiểu tôi nhất từ trước đến nay. Chỉ cần đọc tin nhắn có vẻ buồn bã của tôi, dù tôi không nói gì liên quan đến những vấn đề mà tôi đang gặp phải thị cũng có thể đoán được là tôi đang có v